ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA TỈNH KIỂM TRA GIÁM SÁT TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Sáng 01/8, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Hà Văn Vui - Phó trưởng Ban dan tộc tỉnh Cao Bằng làm trưởng đoàn đến kiểm tra, giám sát tình hình triển khai và kết quả thực các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Thạch An. Cùng đi có lãnh đạo và chuyên viên Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra các hồ sơ liên quan đến việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Thạch An. Qua kiểm tra, các hồ sơ cơ bản đầy đủ, trình tự thủ tục theo quy định.
Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Thạch An là 439 tỷ 327 triệu đồng. Kết quả giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2022 tính đến hết ngày 31/01/2023 được hơn 109 tỷ đồng, đạt 66,3% kế hoạch giao; giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2023 bao gồm vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 tính đến hết ngày 15/7/2023 được trên 76 tỷ đồng.
Sau hai năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả như hỗ trợ BHYT, bảo trợ xã hội, vay vốn ưu đãi, tư vấn tạo việc làm... tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Toàn huyện có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân 11,5 tiêu chí/19 tiêu chí/ xã, không còn xã dưới 9 tiêu chí. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được nhân dân đồng tình đón nhận, ủng hộ và tham gia.
Tuy nhiên việc thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Thạch An còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân, như kinh tế của huyện có xuất phát điểm thấp, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao; một số văn bản, Thông tư phải chỉnh sửa, bổ sung nên việc triển khai thực hiện các chương trình còn nhiều hạn chế do thay đổi đối tượng thụ hưởng...
Huyện kiến nghị: Các Bộ, ngành trung ương khi ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai cần nêu rõ đối tượng, nội dung, định mức hỗ trợ tránh việc dẫn từ văn bản này sang văn bản khác; Xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đối với người tham gia học nghề dưới 03 tháng, người học cư trú ở xã, thôn thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; Tăng mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; Có chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ trước đây đã được hỗ trợ nhưng nay nhà ở đã hư hỏng, xuống cấp; Bộ tài chính hướng dẫn cụ thể, chi tiết về nội dung chi, mức chi thuộc nội dung tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước đối với các đối tượng cấp cơ sở; Tỉnh xem xét, phân bổ, điều chỉnh bổ sung nguồn vốn sự nghiệp và vốn đầu tư cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là ở cấp xã, thôn.
Đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Thạch An trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Đề nghị huyện tiếp tục cố gắng để thực hiện tốt các Chương trình MTQG trên địa bàn; tập trung giải ngân nguồn vốn Chương trình đảm bảo theo đúng tiến độ, sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời đề nghị UBND huyện Thạch An gửi văn bản tổng hợp các ý kiến, những khó khăn vướng mắc khi thực hiện Chương trình của các phòng ban chuyên môn, UBND các xã để đoàn công tác trả lời đầy đủ trong thời gian tới.
Thực hiện: Trần Nhung - Tuấn Anh